Cây nội thất trong nhà
Nói đến cây cảnh người chơi cây thường chia ra làm cây nội thất trong nhà và cây ngoại thất. Cây nội thất là những cây có thể trồng trang trí trong nhà, trong phòng thất vì chúng hấp thụ khí CO2 và nhả khí O2 vào ban đêm, làm tăng dưỡng khí, điều tiết và thanh lọc không khí trong phòng. Trái ngược lại, cây ngoại thất là những cây không nên trồng trang trí trong nhà hay trong phòng thất mà chỉ dùng trồng trong sân vườn hoặc xung quanh nhà. Lý do là vì những cây này khó phát triển trong không gian trong nhà, thêm vào đó lại hô hấp vào ban đêm, thải khí CO2 và hấp thu khí O2, gây thiếu khí O2 nếu trồng trong phòng, không tốt cho sức khỏe gia chủ.
Cây nội thất trong nhà – nên và không nên trồng cây gì?
Từ xưa tới nay, các cụ nhà ta cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm chơi cây cảnh truyền lại cho hậu bối. Theo đó các cụ đã chia 10 loại cây cảnh dạng thế (thập toàn) làm ba bộ: bộ thứ nhất là bộ Tứ Quý gồm Tùng, Trúc, Cúc, Mai, ứng với tứ thời xanh tốt là xuân Tùng, hạ Trúc, thu Cúc, đông Mai. Bộ thứ hai là bộ Tứ Linh gồm Đa, Sung, Sanh, Si ứng với tứ hình Long, Lân, Quy, Phụng. Bộ cuối cùng là bộ Tam Đa gồm Lộc, Vừng, Sung ứng với Phúc, Lộc, Thọ.
Trong ba bộ này thì bộ Tứ Quý và bộ Tam Đa đều được quan niệm là những cây nội thất trong nhà, còn bộ Tứ Linh được trồng hoặc đặt ở ngoại thất, có thể là trước hiên, trước cửa hoặc ngoài sân vườn. Có nhiều cách bày trí cây nội thất trong nhà, với bộ Tứ Quý bày trong nhà thì thường mặt trước là “nam quân tử” bày Tùng, Trúc; mặt sau là “nữ khuê phòng” bày Cúc, Mai.
Ngoài những cây trên, về cây nội thất trong nhà còn có nhiều loại cây được chuộng trồng nữa, ví dụ như vạn niên thanh, phất lộc, thiết mộc lan, trúc nhật,… đều là những loại cây đẹp, tốt cho sức khỏe và mang nhiều ý nghĩa.